Hôm nay | 214 | |
Hôm qua | 1172 | |
Tuần này | 8738 | |
Tuần trước | 8942 | |
Tháng này | 10305 | |
Tháng trước | 43072 | |
Tất cả | 6177141 |
Thứ sáu, 06 Tháng 3 2015 09:19
Nước ta xuất khẩu dầu thô, nhập khẩu xăng dầu thành phẩm nên giá dầu giảm sẽ tác động 2 chiều tới tăng trưởng kinh tế. Giá dầu liên tục giảm sâu sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách nhưng đồng thời cũng giảm chi phí nhập khẩu các mặt hàng. Đây là nhận định của Tổ điều hành công tác vĩ mô trước biến động của giá dầu đối với kinh tế nước ta.
Giá dầu hiện đã giảm mạnh và rất khó lường, đây không chỉ là do cung cầu mà còn do yếu tố chính trị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nói với báo chí sau cuộc họp vào chiều muộn ngày 22.1 của Chính phủ với liên Bộ Công thương - Tài chính, Ngân hàng Nhà nước - Kế hoạch và Đầu tư về tác động của giá dầu thế giới đối với kinh tế nước ta. Khi giá dầu giảm, 4 lĩnh vực lớn sẽ bị tác động, trong đó, tác động trực tiếp đầu tiên là lĩnh vực khai thác, sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ. Năm nay, kế hoạch khai thác trong và ngoài nước của Bộ Công thương là 14,74 triệu tấn. Tình hình này buộc Bộ Công thương và Chính phủ phải xem lại kế hoạch của mình. Khi Chính phủ xây dựng kế hoạch thu chi ngân sách năm 2015, dự kiến xuất khẩu dầu thô của Việt Nam ở mức giá bình quân 100USD/thùng. Đến nay, giá dầu thô đã xuống dưới 60USD/thùng, thậm chí có thời điểm 50USD/thùng, gây ảnh hưởng lớn tới mục tiêu GDP tăng 6%; lạm phát khoảng 5%... mà Quốc hội đã thông qua vào Kỳ họp thứ Tám. Trước tình hình này, yêu cầu đặt ra đối với công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô là phải bám sát tình hình, dự báo các kịch bản và giải pháp tổng thể nhằm bảo đảm được mục tiêu phát triển KT - XH đặt ra. Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, ngân sách nhà nước sẽ mất gần 1 nghìn tỷ đồng nếu giá dầu giảm 1 USD/thùng, và mất 40 - 70 nghìn tỷ đồng nếu giá dầu xuống mức 40USD - 60USD/thùng. Tuy nhiên, đây không phải điều đáng lo bởi giá dầu giảm ảnh hưởng tiêu cực đến thu ngân sách nhưng lại tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Ví dụ, nếu giá dầu quanh mốc 40USD/thùng trong năm 2015 thì sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng thêm 0,43%, qua đó sẽ giảm mức độ hụt thu ngân sách. Dựa trên phân tích của các tổ chức kinh tế thế giới, Tổ điều hành công tác vĩ mô đã xây dựng 3 kịch bản nhằm ứng phó với diễn biến của giá dầu theo 3 mức giá: 60USD/thùng, 50USD/thùng và xấu nhất là 40USD/thùng. Khi giá dầu ở mức 60USD/thùng, việc khai thác dầu của nước ta có giảm nhưng không đáng kể. Chính phủ có thể sẽ xem xét và tiết giảm khai thác ở những lô có chi phí khai thác cao. Trường hợp giá dầu thô xuống 50USD/thùng, sản lượng dầu khai thác sẽ giảm nhiều hơn nữa. Khi giá dầu xuống 40USD/thùng, có thể phải giảm khai thác 1,8 - 2 triệu tấn dầu trong kế hoạch sản xuất 14,74 triệu tấn. Theo nhận định của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, nếu giá dầu bình quân năm ở mức 60USD/thùng thì không gây xáo trộn nhiều đến sản xuất và tiêu thụ dầu của Việt Nam. Nhưng nếu giá dầu xuống dưới 40USD/thùng thì ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế và thu hút đầu tư trong lĩnh vực dầu khí. Do nước ta xuất khẩu dầu thô, nhập khẩu xăng dầu thành phẩm nên giá dầu giảm sẽ tác động 2 chiều tới tăng trưởng kinh tế, trong đó, nền kinh tế sẽ được nhiều hơn mất, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định. Ở chiều thứ nhất, nếu giá dầu xuống dưới 60USD, tăng trưởng kinh tế giảm so với dự kiến 0,21%. Nếu giảm khai thác dầu xuống 14,4 triệu tấn, tăng trưởng kinh tế cũng giảm 0,56%. Nếu giảm mạnh khai thác theo kịch bản xấu nhất (chỉ khai thác và xuất khẩu 13,08 triệu tấn), tăng trưởng có thể giảm tới 1%. Ở chiều ngược lại, giá dầu 60USD/thùng sẽ thúc đẩy nền sản xuất tăng 0,27%. Ở kịch bản 2, nếu giá dầu giảm còn 50USD/thùng sẽ giúp kinh tế tăng thêm tới 0,31%. Còn ở mức 40USD/thùng sẽ giúp kinh tế tăng trưởng thêm 0,43%. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng có cùng quan điểm và lưu ý rằng có một số phân tích cho rằng với giá dầu giảm mạnh, nhiều dự báo thậm chí lại cho rằng một chu kỳ mới của tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ bùng nổ, điều này có lợi cho Việt Nam.