Bà Rịa - Vũng Tàu với phát triển ngành Cơ khí của tỉnh
Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) là tỉnh ven biển thuộc Đông Nam Bộ, trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có tốc độ phát triển kinh tế cao và duy trì liên tục nhiều năm. Trong vài năm gần đây, mặc dù cả nước tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút do tác động của khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu nhưng BR-VT vẫn đạt mức: Công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 64%; Dịch vụ chiếm khoảng 32% và nông nghiệp khoảng 4% .
Trong lĩnh vực công nghiệp, bên cạnh các ngành công nghiệp truyền thống: Khí, điện, đạm, thép… chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất, đã xuất hiện một số sản phẩm công nghiệp mới: Sản phẩm cơ khí. Theo thống kê chưa đầy đủ, BR – VT hiện có gần một trăm dự án, nhà máy cơ khí đang hoạt động ở nhiều lĩnh vực cơ khí: Cơ khí hàng hải, cơ khí dầu khí, cơ khí tàu thuyền, cơ khí chế tạo, cơ khí kết cấu thép, cơ khí gia công sửa chữa, luyện cán thép v.v… tập trung chủ yếu ở thành phố Vũng Tàu và huyện Tân Thành (trong các khu công nghiệp) với tổng vốn đầu tư cho lĩnh vực Cơ khí khoảng hơn 4 tỷ USD. Một lực lượng chuyên gia, cán bộ kỹ thuật và công nhân Cơ khí đông đảo. Ngành Cơ khí BR-VT đã có những đóng góp đáng kể cho quá trình Công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH - HĐH) của địa phương. Đặc biệt, BR-VT đã có sự dịch chuyển cơ bản và tích cực từ công nghiệp khai thác thô dần sang công nghiệp chế biến mà ngành cơ khí đã đóng vai trò quan trọng vào sự dịch chuyển này.
Sản phẩm Cơ khí của BR-VT khá đa dạng: Thiết kế, chế tạo các dàn khoan dầu khí biển, sửa chữa dàn khoan; Xây lắp, bảo trì, sửa chữa các công trình công nghiệp và công trình biển, các công trình dầu khí; sửa chữa các thiết bị động lực dầu khí, Sửa chữa các phương tiện nổi; Sản xuất ống, tấm sàn... Sản xuất các kết cấu thép, sản phẩm thép: Tháp gió, khung nhà tiền chế … Các sản phẩm cơ khí là chi tiết máy, linh kiện phụ tùng thay thế, dụng cụ cơ khí cầm tay…Các thiết bị nâng thủy lực, thân xe ô tô; Sản xuất nồi hơi, bình áp lực …Đóng tàu, ca nô, thuyền; Sản xuất, gia công các sản phẩm cơ khí cho ngành đóng tàu, sửa chữa tàu biển…

Chế tạo giàn khoan dầu khí tại Vũng Tàu.
Cty PV Shipyar thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
Về lực lượng lao động công nghiệp nói chung ở BR-VT đã tăng rất nhanh, trong đó lao động ngành cơ khí có tốc độ tăng cao nhất: 2,55 lần trong 5 năm qua với tổng số khoảng 10 ngàn người và hầu hết đã qua đào tạo ở các cấp độ khác nhau. Nguồn nhân lực khoa học – công nghệ trong lĩnh vực cơ khí được địa phương, các doanh nghiệp quan tâm và đánh giá cao để phục vụ cho triển khai các dự án cơ khí và quá trình CNH – HĐH.
Tuy nhiên, ngành Cơ khí ở BR-VT mới phát triển, còn non trẻ. Sản phẩm cơ bản còn nghèo nàn so với nhu cầu của các ngành công nghiệp khác; Còn hạn chế về khả năng tài chính cũng như nguồn nhân lực trong các khâu: Thiết kế kỹ thuật, công nghệ (Engineering), mua sắm thiết bị (Procurement) đến chế tạo, lắp ráp, xây dựng (Fabrication/Construction) nên khó thắng được các hợp đồng lớn, tổng thầu EPC. Hầu hết các doanh nghiệp cơ khí ở đây làm gia công, lắp ráp, chỉ có một số ít trong chuyên ngành dầu khí được chỉ định và giao nhiệm vụ. Cạnh tranh, đấu thầu trong sản xuất chưa công bằng…

Sửa chửa tàu biển ở Vũng Tàu.
Trong tình hình kinh tế nhiều khó khăn hiện nay,nhất là các doanh nghiệp cơ khí; Trên phạm vi địa bàn Đông Nam Bộ, nếu xét về năng lực và các sản phẩm cơ khí, BR-VT phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với các tỉnh thành lân cận, những nơi có nền tảng cơ khí phát triển sớm hơn. Mặt khác, ngay trên địa bàn tỉnh, do thiếu sự hợp tác, phân công, phân chia sản phẩm trong sản xuất; Một số doanh nghiệp cơ khí đầu tư sản xuất chưa đạt hiệu quả cao hoặc chưa có sản phẩm chủ lực, ấn tượng…Tỷ trọng gia công, lắp ráp nhiều, giá trị gia tăng trong sản phẩm cơ khí chưa cao.
Công nghiệp Cơ khí là một trong những ngành then chốt, có vai trò đặc biệt trong sự nghiệp CNH và phát triển kinh tế - xã hội. Nhu cầu về về sản xuất và chế tạo cơ khí trên địa bàn tỉnh và khu vực rất lớn, đầy tiềm năng …
Để thúc đẩy sự phát triển của ngành Cơ khí, từ năm 2002, Chính phủ đã ban hành Quyết định 186/2002/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020, nhằm tập trung phát triển ngành Cơ khí hiệu quả, bền vững trên cơ sở phát huy các nguồn lực trong nước, kết hợp với nguồn lực nước ngoài, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia.
Tỉnh BR-VT cũng đang xây dưng quy hoạch phát triển công nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Với tốc độ phát triển công nghiệp cơ khí như hiện nay, Bà Rịa-Vũng Tàu cần sớm điều tra đánh giá năng lực cơ khí, hoàn thiện quy hoạch toàn ngành cơ khí, từng chuyên ngành và đặt ra các mục tiêu cụ thể. Quan tâm đến xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư hợp lý…Hội Cơ khí tỉnh cần phát huy vai trò tập hợp, liên kết các doanh nghiệp theo hướng hợp tác và phân công chuyên sâu trong ngành, hỗ trợ khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực. BR-VT đã đến lúc cần một Viện nghiên cứu về cơ khí để phục vụ cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp Cơ khí cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực đạt chuẩn và trình độ chuyên nghiệp cao, đủ sức cạnh tranh để thắng các hợp đồng tổng thầu EPC. Cần có sự trao đổi, phân công hợp tác sản xuất giữa các doanh nghiệp cơ khí, để khắc phục những khó khăn, tăng cường hợp tác quốc tế, tích cực nghiên cứu, đổi mới công nghệ tạo ra nhiều sản phẩm cơ khí chất lượng, cạnh tranh… không chỉ phục vụ trên địa bàn mà còn có nhiều sản phẩm xuất khẩu.
TS. Trương Thành Công,
Phó Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam,
Chủ tịch Hội Cơ khí tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu